Theo Hán và mất nước Tang Đồ

Sau khi nhà Tần mất, Hán vương Lưu Bang và Sở vương Hạng Vũ cùng tranh giành thiên hạ. Cuộc chiến giằng co nhiều năm. Năm 204 TCN, tướng Hán là Hàn Tín mang quân tiêu diệt nước Ngụy; sau đó liên tiếp diệt nước Đại và nước Triệu. Nghe theo kế hàng tướng Lý Tả Xa nước Triệu, Hàn Tín sai người viết thư đến nước Yên dụ hàng.

Yên vương Tạng Đồ liệu thế không chống được Hàn Tín nên thuận quy phục Hán vương.

Năm 202 TCN, Lưu Bang tiêu diệt Hạng Vũ lên làm hoàng đế, tức là Hán Cao Tổ. Khi đã thống nhất được thiên hạ, Lưu Bang tính đến việc trừ khử các vua chư hầu để lấy đất đai phong cho những người thân thích của mình.

Theo Hán thư, tháng 7 năm 202 TCN, Yên vương Tạng Đồ làm phản, Lưu Bang đích thân mang quân đi đánh. Tháng 9 năm đó, Yên vương Tạng Đồ và tướng Loan Bố bị bắt, con ông là Tạng Diễn trốn thoát sang Hung Nô. Lưu Bang phong cho bạn thân của mình là Lư Quán làm Yên vương.

Sử sách không nói rõ sau đó kết cục của Tạng Đồ ra sao. Ông chính là vua chư hầu khác họ đầu tiên bị Lưu Bang lần lượt trừ bỏ sau khi giành được thiên hạ.

Các sử gia Trung Quốc cho rằng:

Sử sách chép về Tạng Đồ rất giản lược. Việc "phản" của ông thường làm cho mọi người có lòng hoài nghi. Trong khi Lưu Bang đang bận rộn chiến tranh với Hạng Vũ, thắng bại chưa phân thì Tạng Đồ không có hành động gì, mãi đến khi thiên hạ vừa bình định xong thì ông lại vội vàng "làm phản". Và, khi đã làm phản lại không chống đỡ nổi một trận đầu, chỉ vài tháng sau đã bi bắt sống. Đối với việc này, Lưu Bang chụp lên đầu tất cả các vua chư hầu khác họ những chứng cớ "mưu phản" (như với Hàn Tín, Bành Việt sau này). Do vậy, chúng ta không khó tưởng tượng ra chân tướng của sự kiện Tạng Đồ[2].

Liên quan